TỬ BÌNH – NGƯỜI HOÀN THIỆN MỆNH LÍ TỨ TRỤ

 

Tử Bình họ Từ, tên Cư Dị, người thời Ngũ Đại, ẩn cư ở động Thái Hoa trên núi Tây Đường. Lúc ẩn cư, ông từng nghiên cứu về mệnh lí tinh thâm với Ma Y đạo nhân, một đại sư tướng thuật đương thời.

Trong lãnh vực toán mệnh thuật, Từ Tử Bình có cống hiến rất lớn, đó là cải tiến phương pháp tính toán mệnh vận bằng can chi năm tháng và ngày sinh của Lí Hư Trung, bằng cách dùng “Tứ trụ pháp”, tức là cùng lúc dùng cả can chi năm, tháng, ngày và giờ sinh, chia làm bốn cột hay tứ trụ để tính toán mệnh vận.

Trước tác của ông, theo truyền thuyết có Tử Bình Lạc Lục Tứ Tam Mệnh Tiêu Tức phú chú, gồm hai quyển. Lúc này người ta gọi môn này là Tử Bình thuật. Đến đời Tống, Từ Tử Thăng căn cứ thành quả nghiên cứu của Từ Tử Bình, đã biên soạn bộ sách mệnh học rất quan trọng, đó là Uyên Hải Tử Bình. Bộ sách này tổng cộng chia làm 5 quyển:

  • Quyển 1 và 2 luận về mệnh lí, thần sát và cách cục của mệnh thức.
  • Quyển 3 luận về lục thân, nữ mệnh.
  • Quyển 4 luận nhân giám và 12 nguyệt kiến hầu.
  • Quyển 5 là khẩu quyết

Nội dung rất toàn diện và thực dụng, là bộ sách quan trọng mà người nghiên cứu khoa mệnh lý Tứ Trụ phải tham khảo.

Sau Từ Tử Bình, toán mệnh thuật không chỉ thịnh hành trong dân gian, mà còn thịnh hành cả trong giới Nho học. Người tin theo và nghiên cứu khá nhiều. Đại Nho gia Chu Hi cũng tin tưởng toán mệnh thuật, ông thừa nhận đời người nghèo hèn hay giàu sang là do mệnh vận lúc sinh ra phú cho, chẳng phải là điều mà con người có thể truy cầu là được.

Đến đời Minh, toán mệnh thuật đã đạt tới đỉnh cao chưa từng có, cực kì thịnh hành. Trong số các khai quốc công thần triều Minh, có không ít người tinh thông khoa mệnh lí này. Chẳng hạn như Tống Liêm viết Lộc Mệnh Biện, người khai phá mảnh đất hoang, lần đầu tiên tổng kết nguồn gốc hệ thống mệnh lí học. Dưới sự phát động của ông, các trước tác mệnh lí học ùn ùn ra đời.

Chất lượng cao có thể kể “Trích Thiên Tủy nguyên chú” của Lưu Cơ (tức Lưu Bá Ôn), Tử Bình Chân Thuyên của Thẩm Hiếu Chiêm, Thần Phong Thông Khảo Mệnh Lí Chân Niên của Trương Thần Phong. Trong số đó “Tam Mệnh Thông Hội” của Vạn Dân Anh là có ảnh hưởng lớn nhất.

Vạn Dân Anh, tự Dục Ngô, người Đại Ninh Đô Ti, thời Minh. Ông đậu tiến sĩ năm Gia Tĩnh, nhậm chức ngự sử Hà Nam đạo lịch quan, tham nghị Bố chính ti hữu Phúc Kiến. Ngoại trừ “Tam Mệnh Thông Hội”, về mệnh lí ông còn trước tác Tinh Học Đại Thành. Tác phẩm của ông được bộ Tứ Khố Đề Yếu đánh giá rất cao.