TRUNG CHÂU TỬ VI ĐẨU SỐ TỨ HOÁ PHÁI – TỬ VI BẮC PHÁI

Tứ Hóa phái, tên gọi đầy đủ là Bắc phái Tứ Hóa Phi Tinh Tử Vi Đấu Số, bao gồm các chi lưu Tử Vi thuộc hệ thống Tứ Hóa pháp.

Giới thiệu về Trung Châu Tử Vi Tứ Hoá Phái

Bàn về Tử Vi Bắc Phái không thể không nhắc đến một bộ sách cực kì gây tranh cãi, gọi là Hoa Sơn Khâm Thiên Tứ Hoá Tử Vi Đẩu Số phi tinh bí nghi. Khoảng hơn ba mươi năm trước, lúc Khâm thiên bí nghi lần đầu tiên xuất hiện là khi Sái Minh Hoành đăng báo rao bán, gây xôn xao trong giới thuật số Đài Loan.

Triệu Kính Hiền tiên sinh trong cuốn Duy tâm thuyết Tử Vi đã trích lại lời kể của một vị tiền bối trong giới thuật số lúc đó, ở mức độ nào đó có thể đại biểu cho các nhà Đẩu Số ở Đài Loan thời bây giờ. Vào khoảng tháng 3 năm 1985, trong giới Đẩu Số Trung Quốc xảy ra một sự kiện lớn. Đó là sự xuất hiện của một bộ bíp thiên cổ gọi là Khâm thiên bí nghi, do một người đăng báo công khai rao bán với nội dung: Toàn bộ Khâm thiên bí nghi gồm 8 quyển.

  • Quyển 1: Thập bát phi bí
  • Quyển 2: Tứ hoá phi cung
  • Quyển 3: Tứ hoá biến dịch số tự chi ứng dụng
  • Quyển 4: Kham du phi vận Tử Vi Đẩu Số
  • Quyển 5: Thượng thừa duy tâm pháp dữ Tử Vi đại pháp
  • Quyển 6: Tiên thiên tứ hoá phi tinh kì phổ
  • Quyển 7: Thuỷ kính thần số
  • Quyển 8: Tử Vi kinh tông

Sáu quyển trước thuộc ” Nhân “, quyển 7 thuộc Địa và quyển 8 thuộc Thiên, mỗi cuốn đều hàm chứa nội dung triết lý nhân sinh cực sâu sắc của Tử Vi Đẩu Số, nhất là quyển 6, luận về Hoá Kị gồm 20 loại như: Nghịch Thuỷ Kị, Phản Cung Kị, Nhập Khố Kị,…

Sau sự kiện trên, nội dung lí luận mà Tố Tâm Lão Nhân công bố trong Khâm thiên bí nghi đã tạo ra một làn sóng mới trong giới Đẩu Số đương thời, các môn phái đua nhau nghiên cứu, đồng thời cũng công bố bí kíp riêng của mình, khiến cho lí luận của Tử Vi Đẩu Số càng được công khai và phát triển cực thịnh, nội dung trở nên cực kì sâu sắc. Ngày nay, trong giới Đẩu Số ở Đại Lục, Đài Loan và Hong Kong, phi cung hoá tượng và cung chức hoán vị là những lý luận không thể thiếu lúc phê đoán mệnh bàn một người.

Nhận thức chung về Tứ Hóa năm sinh

Thái Cực sinh “lưỡng Nghi” (âm, dương), lưỡng Nghi sinh “tứ Tượng” (thiếu dương, lão dương, thiếu âm, lão âm). Cái tứ Tượng ấy, lấy ví dụ đơn giản nhất để minh hoạ chính là bốn mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông” được chứng kiến trong đời sống hàng ngày.

Khi mùa Xuân đến, trăm hoa đua nở, hạt giống nảy mầm, cây cối đâm chồi nảy lộc, thiên nhiên tràn đầy “sinh cơ”, “hy vọng”. Con người cũng liền cày cấy vụ xuân, bắt đầu một năm bận rộn.

Đến mùa Hạ, vạn vật đã “khỏe mạnh”, “tươi tốt”, con người  vui mừng khi nhìn thấy thành quả.

Bước vào mùa Thu, lá vàng héo úa theo gió Thu rớt xuống. Cái khí sát phạt lúc này đã đầy trời, đó chính là quy luật “thấy thịnh quá thì phải hạn chế” của đại tự nhiên. Con người cũng bận rộn với những dụng cụ (thuộc Kim khí) để thu hoạch thóc lúa về kho.

Đến mùa Đông, ngàn núi vắng bóng chim bay, vạn đường ít người qua lại, vạn vật chỉ thích “ẩn náu trú đông”. Con người cũng “thâu tàng” cho qua giai đoạn này, nghỉ ngơi là để chuẩn bị đi tiếp trên hành trình dài.

Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông tuần hoàn quay lại mối ban sơ, năm này qua năm khác. Do đó:

  • Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, là thuộc thời kỳ Mộc vượng.
  • Mùa Hè trời nắng chói chang, là thuộc thời kỳ Hỏa vượng.
  • Mùa Thu xơ xác tiêu điều, lá khô rơi rụng, là thuộc thời kỳ Kim vượng.
  • Mùa Đông đất đầy sương tuyết, vạn vật ẩn phục, là thuộc thời kỳ Thủy vượng.

Khí vận hành mà “tại Thiên thành tượng”. Xưa nay có rất nhiều bậc trí tuệ đều noi theo “Đạo pháp Tự Nhiên”. Do đó, Tứ Hóa của Đẩu Số chính là cái “Pháp” (quy luật, phép tắc) từ Tứ Tượng ở trong thế giới Tự Nhiên mà ra. Cũng có thể nói rằng, Tứ Hóa của Đẩu Số chính là tứ tượng Xuân Hạ Thu Đông của thế giới Tự Nhiên.

Nay, đem Tứ Hóa phân loại, để hồi tưởng lại cho dễ hiểu:

Luận về hoá Lộc

“Lộc” – chính là Thiếu Dương, đại biểu Mùa Xuân, là thuộc tượng Mộc vượng, vạn vật đang sinh sôi, hy vọng.

Tổng hợp tượng nghĩa của hoá Lộc là:

  • Lạc quan, vui sướng, may mắn, tốt đẹp, thuận lợi, nhẹ nhõm, tùy duyên, hoà hợp, thân thiện, tự tại. hòa hợp.
  • Phúc khí, hy vọng, cơ hội, tràn trề sinh cơ, tươi sáng, khỏe mạnh.
  • Tuổi trẻ, nguyên nhân, ban đầu.
  • Là tình, lãng mạn, đa tình, tưởng tượng, ý hay, mộng đẹp.
  • Hưởng thụ, làm biếng, dễ thỏa mãn, phân tán, mập mạp.
  • Nhiều, mới, lớn, tốt.

Luận về hoá Quyền

“Quyền” – chính là Lão Dương, cũng chính là mùa Hạ, là thuộc tượng Hỏa vượng, vạn vật đang ở trạng thái khỏe mạnh, tốt tươi.

Tổng hợp tượng nghĩa của hoá Quyền là:

  • Tự tin, chủ kiến, mưu đồ, dục vọng, hoài bão, tích cực.
  • Là quyền, lãnh đạo, khai sáng, mở rộng, đột phá, rắn chắc, cường tráng, quyền lực, địa vị.
  • Chủ quan, ra oai, phách lối, năng lực, tài cán, quyết đoán, kiên cường, ứng biến.
  • Can đảm, khí phách, ra tay hành động, sắc bén, kịch liệt, tranh đấu.
  • Nhiều, mới, lớn, tốt.

Luận về hoá Khoa

“Khoa” – chính là Thiếu Âm, cũng chính là mùa Thu, là thuộc tượng Kim vượng, vạn vật đang ở trạng thái xác xơ, tiêu điều. Thánh nhân noi theo mà chế ra lễ giáo, văn minh.

Tổng hợp tượng nghĩa của hoá Khoa là:

  • Danh tiếng, khoa giáp.
  • Quý nhân, hòa hoãn, tu dưỡng, xoay vần.
  • Khiêm tốn, lịch sự, văn hoá, học thức, khéo léo, thanh tú, tinh tế, đẹp đẽ.
  • Khoan thai, do dự, thiếu chính kiến, làm ra vẻ, mượn cớ che đậy.
  • Lớn nhỏ vừa đúng chừng mực.

Luận về hoá Kị

“Kị” – chính là Lão Âm, cũng chính là mùa Đông, là thuộc về tượng Thủy vượng, vạn vật đang ẩn náu, thâu tàng, chờ đợi hy vọng mới.

Tổng hợp tượng nghĩa của Hoá Kị là:

  • Thật thà, mộc mạc, thẳng thắn, cương trực, trung thành, nghĩa khí.
  • Thu tàng, ẩn mình, gìn giữ, an định, kết quả.
  • Cứng nhắc, cố chấp, phiền muộn, đau thương, nợ nần, vất vả.
  • Tiểu nhân, thù hận, thị phi, phẫn nộ, đau khổ, bi quan, yếm thế.
  • Tham dục, ghen tuông, si mê, ích kỷ, vọng tưởng, tà niệm.
  • Trắc trở, tối tăm, nhỏ mọn, xấu xí, bẩn thỉu, đổ nát.
  • Ít, cũ, nhỏ, xấu.

Đừng có thấy Lộc mà đã nói là hay, nhiều Lộc lại phản chuyển thành “tiêu diêu tự tại”  (ám chỉ sự buông bỏ, phóng túng, không thích ràng buộc); đừng có thấy “Kị” mà đã nói là hung, cố chấp chọn cái thiện chính là được cái Kị mà đạt được thành tựu. Nhiều Quyền thì đề phòng ngang ngược, phách lối, độc tài, chuyên quyền. Nhiều Khoa thì phản chuyển thành do dự, nhu nhược, không có chính kiến.

Tứ Hóa là tượng (hình ảnh mô phỏng), cho nên “Lộc, Quyền, Khoa, Kị” là hóa “Tượng”, chứ không phải thuộc về các tinh diệu.

Các sách trên phố nói “nhiều Kị thì phản chuyển thành không Kị, không cần e ngại”, ấy là sự hoang đường.

  • Bởi vì “đơn Kị” tọa thủ, là “giữ gìn”, “nợ nần” hoặc “trả giá” (là những việc con người đương nhiên sẽ gặp trên cõi đời mà thôi).
  • “Song Kị” đồng cung hoặc hình thành cặp Kị đối cung, là khởi đầu của sự “phá bại”.
  • “Tam Kị” đồng cung hoặc có cặp Kị đối cung trong số đó, thì là “xu thế chung đã xấu”.
  • “Tứ Kị” đồng cung hoặc có cặp Kị đối cung, đời người thường phải đối mặt với vấn đề “Đi hay Ở”, “sống hoặc chết”.

Ví dụ như cung Nô Bộc có hoá Kị năm sinh toạ thủ, mà cung Tài Bạch nguyên cục lại phi Lộc nhập vào, thì “Lộc, Kị” sẽ hiện ra “Song Kị”. Ngược lại, nếu như cung Nô Bộc có hoá Lộc năm sinh, mà cung Tài Bạch phi Kị nhập vào, thì “Lộc, Kị” sẽ hiện ra “Song Lộc”. Được hay mất sẽ do “Cung Vị” mà định.

“Đơn Kị” hoàn toàn lấy cung vị nó tọa thủ mà định đoạt cát hung. Nếu đơn Kị lạc nhập “tam phương Mệnh – Tài – Quan” và “tam phương Điền – Huynh – Tật” thì không thể luận là “mất”. Đơn Kị lạc nhập “tam phương Nô – Phụ – Tử” hoặc “tam phương Phúc – Di – Phối” mới bắt đầu có thể luận là “mất”.

Bắt đầu học Tứ Hóa phái như thế nào?

Khi nghiên cứu Tứ Hóa phái (Bắc phái Tử Vi Đẩu Số), đồng đạo cần chú ý mấy điểm quan trọng dưới đây:

Tìm hiểu những điều cơ bản của thuật số

Trước tiên, cũng theo phương pháp thông thường là tìm hiểu những điều cơ sở của thuật số (tức là thiên can, địa chi, âm dương, ngũ hành, xung, hợp, và quái vị, v.v…) sau đó học cách bài bố mệnh bàn, rồi học thuộc lòng tính tình của các sao và cách cục các tinh hệ (nhất là 14 sao chính và các sao phụ chủ yếu), nội dung của giai đoạn này hầu hết đều tương tự như Tam Hợp phái, tiếp đến mới tìm hiểu lí luận Phi cung hóa tượng.

Lúc bài bố mệnh bàn cần chú ý những gì?

Nói chung, cách bài bố mệnh bàn cũng giống như Tam Hợp phái, ngoại trừ một số dị biệt như dưới đây:

  • Một số chi lưu thuộc hệ Tứ Hóa phái chỉ an 14 sao chính, lục cát tinh, lục sát tinh, Lộc Tồn, Thiên Mã, Thiên Diêu, Thiên Hình, Âm Sát và tứ hóa [năm sinh]… và không dùng lưu diệu.
  • Trong lí luận của Khâm thiên Môn có thêm khái niệm “lai nhân cung”.
  • Ghi chú hiện tượng phi hóa, tự hóa, và chuyển phi hóa.
  • Đại vận là khởi vận từ cung mệnh; không dùng tiểu hạn, chi dùng lưu niên.
  • Một số chi lưu thuộc hệ Tứ Hóa phái không dùng thuyết miếu vượng hãm.

Nội dung trọng điểm của Tứ Hóa phái là gì?

Tứ Hóa phái có nội dung rất phức tạp, nhưng thông thường những lí luận chủ yếu ứng dựng trong lúc luận đoán gồm có:

  • Lập thái cực: là lập tiêu điểm để luận về một sự kiện, tức là lúc muốn đoán mệnh vận cần phải định chủ đề để chọn một cung chức nào đó làm “dụng”.
  • Cung chức hoán vị: để hiếu rõ hàm nghĩa của các cung, bạn cần phải đột phá sự giới hạn của mười hai cung, để vận dụng huyền nghĩa thiên biến vạn hóa của chúng trong lúc luận giải chủ đề mình đang quan tâm.
  • Phân thể dụng (âm dương): chủ yếu là để phân hạng mục sự kiện đối ứng, tức là phân chia vai trò “chủ” và “khách” của một sự kiện, cũng có nghĩa là phân chia “âm dương”.
  • Định tam tài: tức là tam bàn “thiên địa nhân”, dùng để phân tích “cách cục” (thuộc phạm vi “mệnh”), phân tích “định số” (lấy tượng của sự kiện, thuộc phạm vi “đại vận”) và phân tích “ứng số” (thuộc phạm vi “lưu niên”).
  • Phi cung hóa tượng: Là quỹ tích của tứ hóa phi tinh, cũng là lí luận rất tinh vi uyên áo trong Tứ Hóa phái, là chức năng đặc biệt xâu chuỗi mối quan hệ giữa các cung, vẽ ra hướng đi của mệnh vận.

Các điểm quan trọng thuật ở trên không thể ứng dụng đơn độc, thiếu một điểm nào cũng không được, chúng là những mắc xích liên quan với nhau thành một pho lí luận của Bắc phái Tử Vi Đẩu Số, và cũng là tinh hoa của Dịch học và Hà Lạc lí số.

Một số danh gia của tử vi Bắc phái

Có nhiều người cho rằng TVĐS Phi Tinh phái là do người cận đại phát minh. Sở dĩ có sự hiểu lầm này, là do họ cứ nghĩ rằng TVĐS phi tinh bí nghi của Sái Minh Hoành là căn nguyên Phi Tinh phái. Rất nhiều người cho rằng TVĐS của Phi Tinh phái là do Sái Minh Hoành tự sáng chế ra.

Thực ra, trước khi TVĐS phi tinh bí nghi lưu truyền rộng rãi, lí luận TVĐS của Phi Tinh phái đã xuất hiện từ lâu. Vả lại, Phi Tinh Phái cũng có nhiều phân chi, Sái Minh Hoành cũng là một chi phái trong số đó, nhưng là phái được nhiều người biết đến vào thời kì này.

Ngoại trừ các bậc tiền bối như Ông Phúc Dụ, Phương Ngoại Chân, Từ Tăng Sinh, và Lương Nhược Vọng (học trò Sái Minh Hoành)… còn có một số người ít ai biết đến ở Trung Quốc lục địa, nhưng cũng là cao thủ truyền dạy theo truyền thống Bắc Phái Phi Tinh. Ngay như ở Đài Loan, chỉ nói số đồng môn cùng lứa với Sái Minh Hoành, ít nhất cũng có năm người. Hơn nữa, Sái Minh Hoành trong quyển 1 của Khâm Thiên tứ hóa TVĐS phi tinh bí nghi cũng có nói, “bí nghi” là do ông tập đại thành truyền thống Phi Tinh TVĐS. Cho nên, phải nói “bí nghi” là sở học của ông được truyền thừa mới đúng. Ví dụ như “Phi Tinh chuyển yết quan quyết” trong Khâm Thiên tứ hóa TVĐS phi tinh bí nghi (Phan Tử Ngư gọi là “Phi Yến Quỳnh Lâm”, ông được bí truyền từ TQ lục địa) đã lưu truyền rộng rãi trước khi “bí nghi” xuất hiện, rất nhiều phái xem nó là “bí bảo”.

Tử Vi đẩu số của bắc phái Phi Tinh (hay còn gọi là Tứ Hóa Phái) có nhiều truyền thừa khác nhau, lí luận của các chi hệ đều đại đồng tiểu dị. Đương nhiên, trong đó cũng có xuất hiện tư duy mới. Như “Đồng bộ đoán quyết” của Phương Ngoại Nhân chính là phát hiện độc đáo, nhưng nếu nghiên cứu tỉ mỉ nội chung của nó, chúng ta sẽ phát hiện kết luận của Phương Ngoại Nhân không tách rời lí luận cơ bản của Bắc Phái Phi Tinh, Phương Ngoại Nhân cũng nói thẳng, “Đồng bộ đoán quyết” chỉ là suy luận ra từ nền tảng truyền thống, chứ không phải là phát minh nguyên lý gì.

Tử Vi Đẩu Số đang trong giai đoạn hưng khởi, sự xuất hiện một nguồn tư liệu mới đã gây thêm hứng thú cho giới nghiên cứu Đẩu Số. Truyền thống Bắc Phái Phi Tinh đặc biệt ở chỗ vận dụng tứ hóa khác với truyền thống của Tam Hợp Phái. Phái này cho rằng sau khi lập xong mệnh bàn tiên thiên, trong 12 cung đều có thiên can riêng, thiên can của cung mệnh ngoại trừ dùng để tương phối với địa chi (nạp âm) để tính toàn bày bố 14 chính tinh, nó còn được dùng để bày ra một bộ tứ hóa, như vậy mệnh bàn tiên thiên sẽ thêm một tầng biến hóa, việc luận đoán cũng theo đó mà thâm sâu hơn. Càng tinh vi hơn là, không phải chỉ có cung mệnh phi xuất một bộ tứ hóa, mà 11 cung còn lại cũng vậy.

Trước tác của các cao thủ nổi tiếng trong Bắc Phái Phi Tinh gồm có Sái Minh Hoành, Tử Dương, Từ Tăng Sinh, Phương Ngoại Nhân, Khuyến Học Trai Chủ, Lương Nhược Du,v.v… đều có cống hiến đã kể. Phương pháp luận mệnh của họ khá phức tạp.