Tử vi đẩu số – Thiên hạ đệ nhất thần số
Tử vi đẩu số phản ánh quỹ tích vận mệnh đời người theo cách đa chiều, nội dung sâu sắc, triết lý uyên thâm, thông tin hàm chứa trong đó là vô cùng lớn. Ở Trung Quốc, nó đứng đầu ngũ đại thần số, được người đời xưng tụng “Thiên hạ đệ nhất thần số“.
Tử Vi và số mệnh
Tại sao số mệnh mỗi người lại khác nhau? Vũ trụ tinh thể vẫn đang vận hành không ngừng, chúng tương tác với nhau tạo ra các lực vũ trụ, cổ nhân gọi nó là âm dương khí, ngũ hành.
Lực lượng vũ trụ là vô cùng vô tận, nó luôn ảnh hưởng đến vạn vật mọi lúc, mọi nơi. Con người là tinh hoa của vạn vật, nhạy cảm nhất với lực vũ trụ, số mệnh con người chính là kết quả của các tác nhân vũ trụ.
Con người cùng vũ trụ luôn không ngừng trao đổi năng lượng với nhau. Mỗi không gian và thời gian khác nhau, lực ảnh hưởng của vũ trụ cũng khác nhau. Các thiên thể vũ trụ vận hành rất nhanh, chỉ vài giây đã qua có thể đã cách xa vạn dặm.
Rất ít những người có thể sinh cùng giờ, cùng vị trí địa lý, hơn nữa do di truyền của cha mẹ, hoàn cảnh gia đình khác nhau, tao ngộ khác nhau,… cho nên số mệnh con người cũng muôn hình vạn trạng, không ai giống ai.
Mệnh và vận
Mệnh và Vận là một chỉnh thể, nhưng vẫn có những điểm khác nhau.
“Mệnh” là tiên thiên cùng các nhân tố bên trong, là linh hồn của con người, là thân thể, là khung xương số mệnh con người, là thành phần quan trọng nhất. “Mệnh ” cách cao thấp quyết định đời người phú quý, phúc thọ khác nhau.
“Vận” là nhân tố bên ngoài, lực ảnh hưởng của hoàn cảnh hậu thiên, nhân sinh kỳ ngộ, là việc con người có thể thay đổi, biến hoá để thích nghi với không gian và thời gian khác nhau. Cùng với nỗ lực hậu thiên, “Vận” phát sinh biến hóa và có thể ảnh hưởng đến kết cục của “Mệnh“.
Nguyên nhân bên trong đóng vai trò chính, là “Thể”. Nguyên nhân bên ngoài thông qua nguyên nhân bên trong mà phát huy tác dụng, là “Dụng”.
“Mệnh” là nhân tố chủ yếu, “Mệnh” lại bị tác dụng bởi “Vận“, cho nên “Mệnh” và “Vận” đều rất trọng yếu, kết hợp với nhau để tạo thành đồ thị đời người.
Số mệnh của con người có thể thay đổi được không?
Câu trả lời cho vấn đề này dường như có thể là có hoặc là không.
Chủ nghĩa duy vật cho rằng: quy luật khách quan, chỉ có thể sử dụng, không thể cải biến.
Mọi người có thể ngăn cho địa chấn, đại hồng thủy không xảy ra hay không? Chí ít hiện nay là hoàn toàn không có khả năng, nhưng chúng ta có thể nắm giữ những quy luật đó để đưa ra biện pháp phòng tránh, giảm thiểu tai họa.
Số mệnh con người cũng là một quy luật khách quan, không dễ cải biến, nhưng chúng ta có thể vận dụng các điểm không gian, thời gian và hoàn cảnh bên ngoài khác nhau để cải biến lực ảnh hưởng của vũ trụ, nhằm tìm cát tránh hung, cũng phải tận dụng thời điểm thích hợp để nắm bắt thời cơ, đạt được thành tựu lớn hơn.
Lớn hơn nữa là tạo biến đổi lớn thậm chí hoàn toàn thay đổi số phận, nhưng mà nói dễ vậy sao, đem thằng ngốc thay đổi để làm hoàng đế, hiển nhiên là trời đất không cho rồi.
Thánh nhân chế ra dịch kinh, mục đích chính là trợ giúp con người xu cát tị hung, trăm phương nghìn kế muốn thay đổi số phận loài người. Đạo gia cùng vận mệnh đấu tranh, biểu hiện là tích cực nhất, bọn họ quan điểm “mệnh nằm ở ta không nằm ở trời “, mục tiêu là trường sinh bất lão, đắc đạo thành tiên. Nhưng rốt cuộc mấy ai làm được điều này.
Tử Vi và mệnh lý Tứ Trụ ( Bát Tự – Tử Bình)
Tử vi đấu sổ, lấy hình học đa chiều để phản ánh quỹ tích vận mệnh một đời người, nội dung phong phú, lượng tin tức vô cùng lớn.
Khoa tử vi không cần chọn dụng thần. Sau khi lập lá số, căn cứ vào tính chất các sao (tinh diệu) nằm trong mỗi cung khác nhau kết hợp với sự hỗ trợ từ các sao khác nằm ở tam phương tứ chính là có thể bước đầu luận đoán được. Lý luận dễ hiểu, tương đối trực quan, cụ thể, tỉ lệ chính xác tương đối cao.
Nhưng bởi vì môn huyền học này một thời gian dài nằm trong giới thượng lưu (cung đình hoàng gia), mặc dù cổ mà mới lạ, nhiều kinh nghiệm đã quá cũ không hợp thời đại, rất nhiều quan điểm còn đang tranh luận, rất cần hậu thế không ngừng khai phá sử dụng, tổng kết từ thực tiễn và phát triển.
Tứ trụ mệnh lý cần chọn đúng dụng thần, dụng thần chọn sai thì toàn bộ sai, nhưng tương đối mà nói, khoa Tử Bình lưu hành rộng rãi hơn; lý luận, kinh nghiệm nếu mang ra so sánh thì phong phú hơn khoa Tử Vi.
Vậy nên, tốt nhất là đem Tử Vi và Tử Bình kết hợp lại, bù trừ cho nhau, đạt được điều này thì nội dung tin tức đã tương đối toàn diện, tỷ lệ chính xác cao hơn rất nhiều.
Tử Vi Đẩu Sổ chỉ là môn thuật số
Nếu việc luận mệnh cũng chia làm hai phái “Học” và “Thuật”, hiển nhiên khoa “Tử Bình” chuyên luận về ngũ hành sinh khắc chế hóa, lại được các nho gia triết học khai thông, nên tự nhiên thuộc về lưu phái “Học”, so với khoa “Tử vi” “Hà lạc lý số”, thậm chí khoa bây giờ rất ít người hiểu được đó là “Thiết bản thần số” đều chỉ là “Thuật” mà thôi.
Lấy “Học” luận mệnh, ưu điểm ở sự linh hoạt, hơn nữa có thể được kiểm chứng từ triết lý nhân sinh, cuộc sống đời thường nên khiến người học hứng thú vô cùng, đồng thời có thể suy đi tính lại đại cục, thấy được một ít bao quát cái cùng-thông-đắc-thất của đời người; nhưng khuyết điểm của nó là không dễ để thấy được cái chi tiết, tỉ mỉ.
Ví dụ: từ học thuật Tử Bình tuyệt đối nhìn không ra trên người đó có hay không có nốt ruồi, nhưng “Tử Vi” lại có thể.
Trái lại, lấy “Thuật” luận Mệnh, ưu điểm ở khả năng nhìn ra được những chi tiết, tỉ mỉ: luận tiền tài, luận công danh,… đều có chỗ riêng biệt, nhưng bởi khuyết điểm của nguyên lý luận Mệnh này đó là có khi rất khó nhìn ra từ lá số nguyên cục liệu chung cuộc người đó là được hay mất, thường chỉ vì một sơ xuất nhỏ mà “nhân tiểu thất đại” (nguyên nhân nhỏ gây ra tổn thất lớn – sai một ly đi một dặm).
Chính vì lẽ đó, lấy học thuật “Tử Bình” bàn thuật số, dùng để đoán mệnh, xem ứng nghiệm là lý tưởng nhất, nhưng dùng nhiều học thuật cùng lúc lại dễ gây bối rối cho người học, quan trọng ở sự thấu hiểu thì thực cũng không dễ dàng, làm thế nào khiến “Học” và “Thuật” hợp nhất thành một sợ rằng vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi trong giới Mệnh Lý sau này.
Nguồn gốc Tử Vi Đẩu Số
Tương truyền, khoa Tử Vi có nguồn gốc từ Khâm Thiên Giám của triều đại nhà Đường, kinh đô ở Lạc Dương, Trung Châu. Khâm Thiên Giám là một cơ quan của triều đình chuyên nghiên cứu, quan sát thiên văn, khí tượng, làm lịch pháp.
Vào thời nhà Đường, thiên văn học và chiêm tinh học từ Tây Vực du nhập vào Trung Quốc, đã thúc đẩy Mệnh Lý có những bước tiến lớn, từ đó lịch pháp và bát tự sinh thần (năm, tháng, ngày, giờ sinh) trở thành nhân tố trọng yếu trong tinh mệnh học. Các hoạt động sôi nổi này chủ yếu tập trung ở kinh đô Lạc Dương.
Việc chọn Tử Vi làm sao tôn quý nhất trong 14 chính tinh có nguồn gốc từ Bắc Đẩu Kinh và Nam Đẩu Kinh, trong đó ẩn chứa khái niệm “số” trong Huyền Học, hậu thế gọi là ” Tử Vi Đẩu Số” thực sự có thâm ý của nó.
Sau thời Bắc Tống, các hệ thống tinh mệnh học dần dần hoàn thiện, Ngũ Tinh Thuật (tức Thất Chính Tứ Dư) và Tử Bình (khoa mệnh lý Tứ Trụ) đã phát triển thành hai lưu phái Tinh mệnh học lớn ở Trung Quốc. Trong đó, Ngũ Tinh Thuật phái Cẩm Đường là chi phái Thất Chính Tứ Dư nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
So sánh đối chiếu với phương pháp toán mệnh của Thất Chính Tứ Dư, người ta thấy có nhiều dấu vết diễn hoá thành Tử Vi Đẩu Số ngày nay.
Trong suốt khoảng thời gian từ đời Tống đến đầu đời Nguyên, Tử Vi hầu như im hơi nặng tiếng, người ta không tìm thấy một bản thảo nào khác liên quan đến môn huyền học này. Hiện chỉ lưu giữ được một bản chép tay các cổ quyết của Tử Vi Đẩu Số đời Nguyên.
Đến đời Minh, giai đoạn cuối thời kỳ chấp chính của Chu Nguyên Chương, vị vua khai quốc nhà Minh đã cấm dân gian không được học thiên văn khiến Mệnh Lý học dần bị chìm trong bóng tối. Mãi đến niên hiệu Gia Tĩnh thứ 26 (năm 1547), triều đình mới giải trừ luật cấm này.
Tinh tông mệnh lý học dần dần từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận sau khi thoát khỏi lệnh cấm này. Tên gọi ”Tử Vi Đẩu Số” sớm nhất được thấy trong Tục Đạo tạng do Trương Quốc Tường, Chính Nhất thiền sư đời thứ 50 của Đạo Giáo, tập thành vào đời Minh Thần Tông niên hiệu vạn lịch thứ 35 (1607), trong đó có 3 quyển Tử Vi không rõ tác giả, căn cứ nội dung của 3 cuốn này thì đúng là ”Thập Bát Phi Tinh”.
Đầu thời Thanh, trong Tứ bộ thuật số của Tứ Khố Toàn Thư, tổng cộng ghi nhận hơn 50 loại Thuật Số, bao gồm cả “Thập Bát Phi Tinh” và ”Tử Vi Đẩu Số”. Cũng vì vậy mà một số học gỉả cho rằng Tử Vi Đẩu Số chính là hình thức cải cách của Thập Bát Phi Tinh được thu thập trong Tục Đạo tạng.
Tuy triều Minh cấm dân gian học thiên văn, nhưng cơ cấu triều đình vẫn có một cơ quan chuyên trách về khí tượng và thiên văn, gọi là Khâm Thiên Giám. Môn huyền học này đã âm thầm phát triển trong cung đình hoàng gia một thời gian dài.
Vì nhân tố hoàn cảnh thời đại, Tử Vi bị khoác lên mình một bức màn che, làm tăng vẻ thần bí của nó.
Tử Vi bắt nguồn từ Ngũ Tinh Thuật, do xuất phát từ Khâm Thiên Giám thời đại nhà Đường nên còn được gọi là Khâm Thiên Giám Bí Cấp.
Tại sao gọi là Tử Vi Đẩu Số?
Tên “Tử Vi” chính là chỉ một “Tinh viên” ( viên nghĩa đen là tường thành) mà không phải một tinh diệu. Tử Vi ở cực bắc cũng tức là vào “Hợi vị” của la bàn, tức “Tử Vi viên” lấy sao Bắc cực làm chủ.
Căn cứ thuyết pháp của mệnh lý gia các đời cùng lấy đây là “Đế tọa”, cũng tức đại biểu cho đế vương. Vì vậy, “Tử Vi viên” nên sáng không nên ám, ám thì quân chủ vô đạo, quốc gia loạn lạc.
“Tử Vi Đẩu Số” kế thừa và phát triển từ “Ngũ tinh thuật” để luận đoán sự cát hung của số mệnh, bắt nguồn từ các đạo gia đời Tống. Vì việc đoán mệnh của Ngũ tinh thuật của “Cẩm Đường phái” là không chuẩn, nguyên nhân chủ yếu ở trình độ khán mệnh thời xưa không tinh. Dù mấy trăm năm vẫn y nguyên khẩu quyết. Khi suy đoán tinh diệu phân bố ở riêng mười hai cung, thường gặp sai ở một cung vị nào đó.
Bởi vậy đã có người nghĩ rằng nếu mà dùng vị trí Bắc cực chủ tinh cố định lại làm mốc, phát triển thuật xem mệnh bằng một hệ tinh diệu hẳn là có thể giải quyết được vấn đề nan giải luận mệnh không chính xác này.
Căn cứ vào ý niệm này để phát triển thành thuật số, có hai hệ đó là “Thái Ất thần số” và “Tử Vi Đẩu Số”; gọi tắt là Thái Ất và Tử Vi, kỳ thực mục đích đều là trỏ về bắc cực tinh, đều là “Thí như bắc thần, chúng tinh củng chi” (Tất cả sao đều chắp tay cung kính thần phương Bắc). Lấy góc độ thiên văn hiện đại để nhìn nhận quan điểm này thì có sai lầm nhưng khái niệm của các nhà mệnh lý lúc ấy lại chính xác.
“Đẩu” là để chỉ nam bắc đẩu tinh phân bố vào mệnh bàn (lá số tử vi) dùng để suy đoán tốt xấu của mệnh. Gọi là “Đẩu Số” bởi sự phân bố các tinh đẩu khác theo Tử Vi tinh là chuẩn tắc, khi định vị được sao Tử Vi thì tất cả các nam bắc đẩu tinh khác cũng được định vị, cho nên mới gọi là “Tử Vi Đẩu Số”.
Các chi phái
Ngày nay, có thể chia Tử Vi Đẩu Số thành 2 dòng chính:
- Một là, chủ yếu lấy tổ hợp tinh diệu để luận đoán, gọi chung là Tam Hợp Phái (hay Tử Vi Nam Phái).
- Hai là, chủ yếu lấy “tứ hóa” làm “dụng thần” để tiến hành luận đoán, gọi chung là Tứ Hóa Phái (hay Tử Vi Bắc Phái).
Tử Vi Đẩu Số Tam Hợp Phái (Tử Vi Nam Phái)
Tử Vi Tam Hợp Phái là 1 chi phái chuyên dùng tính chất của tổ hợp tinh diệu để luận Mệnh. Vì dùng Tinh diệu luận Mệnh là phương pháp truyền thống, nguyên thủy của Tử Vi, cho nên ai nghiên cứu khoa này cũng phải học tập các Kinh điển của Nam Phái Tử Vi Đẩu Số.
Cho đến nay (không kể Việt Nam), chi phái này chỉ còn lưu lại 2 Bản cổ tịch, đó là Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư và Tử Vi Đẩu Số Toàn Tập. Hai cuốn này được giới Tử Vi Đẩu Số Trung Quốc/Đài Loan/Hương Cảng xem là chính tông, tối nguyên thủy, là chứng cứ tối sơ có thể tìm thấy được về phương pháp luận mệnh của Tử Vi.
Tử Vi Đẩu Số Tứ Hoá Phái (Tử Vi Bắc Phái)
Lấy năm, tháng, ngày, giờ sinh ra để định ra mệnh bàn lá số Tử Vi là thuộc về “hiển tượng” cố định, không thay đổi, cổ nhân gọi là “thuỳ tượng”. Các nhà Tử Vi Tam Hợp Phái khi luận mệnh thường tập trung vào phần “thuỳ tượng” này, những điều tâm đắc cũng khá nhiều, là cơ sở rất quan trọng của khoa mệnh lý này.
Nhưng theo các danh gia thuộc Tứ Hoá Phái, đó chỉ là phần nổi của Tử Vi Đẩu Số, còn nội dung “Phi cung hoá tượng” – phần chìm của tảng núi băng này, cũng là lí thuyết cực kì quan trọng để bước vào cảnh giới tối cao của Tử Vi Đẩu Số, mà theo các tiền bối cao thủ Tứ Hoá Phái, đây chính là phần lý thuyết bí truyền ngàn năm trong Đạo giáo.
Những lưu ý khi học tập Tử Vi Đẩu Số
Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp các đạo hữu có cách tiếp cận đúng đắn với bộ môn huyền học này, giúp rút ngắn thời gian, có một tư duy đúng để nâng cao trình độ toán mệnh của mình.
Tính thời đại
Tử vi đẩu số là môn huyền học đến từ phương Đông, có lịch sử không dưới vài trăm năm. Có nhiều câu cổ phú trong các sách cổ đã không còn ứng nghiệm ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ: phong kiến xem trọng sĩ hoạn, xem thường thương nhân, nhưng điều này không còn đúng ở xã hội hiện đại. Hay như thợ thuyền ngày xưa có thể là các kỹ sư, kiến trúc sư có tay nghề cao ở bây giờ, há lại không thể có phú quý!
Học cách An sao tử vi
Dựa vào việc xây dựng mệnh bàn hay quy luật an sao Tử vi, chúng ta có thể suy đoán cách nhìn về không thời gian trong vũ trụ của cổ nhân. Sau đó kiểm chứng nó thông qua việc luận mệnh.
Nghiệm lý thực tế
Việc nghiên cứu các lá số thực tế chắc chắn sẽ giúp bạn nâng cao không ít trình độ toán mệnh của bản thân. Hãy kiểm nghiệm một vấn đề nào đó trên một mẫu lớn rồi hãng đưa ra kết luận, đừng quá vội tin vào lời cổ nhân.
Lời kết
Khoa học hiện đại vẫn chưa giải thích được rất nhiều hiện tượng tự nhiên, y học hiện đại cũng không hoàn toàn chữa được bách bệnh và trình độ người luận mệnh cũng vậy. Không có môn huyền học nào có để dự đoán chính xác tuyệt đối, cái này đại khái đều là quy luật của “Đạo“!
Bất luận là học môn gì thuộc Dịch học đều phải linh hoạt khi áp dụng, bất luận sách vở nào về huyền học cũng chỉ cung cấp các kiến thức học thuật cơ bản. Muốn dự đoán chính xác hơn, người học phải dựa vào chính mình, thông hiểu đạo lý, không ngừng đúc kết từ thực tiễn, linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp luận mệnh, từ đó dần nâng cao trình độ.
Cuối cùng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả độc giả, những người sẽ đồng hành cùng tôi trong hành trình khám phá mệnh đề không có hồi kết này.
Phi Luật Tân, ngày 16 tháng 8 năm 2022
Tiềm Long kính bút!